Trãi lòng của vua chuối Long an: Tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm hài lòng khách hàng khó tính - TRỒNG RAU LÀM VƯỜN/TRONG RAU LAM VUON/DỊCH VỤ QUÀ TẶNG/QUÀ TẶNG HANDMADE
Ông Võ Quan Huy, người được mệnh danh là “vua chuối”, bởi ông đã đưa loại trái cây này sang bàn ăn của đất nước “khó tính” bậc nhất thế giới: Nhật Bản. Năm 2016, ông xuất khẩu 4.000 tấn chuối mang thương hiệu Fohla (Fruits of Huy Long An), trong đó 40% sang xứ sở hoa anh đào.
Trãi lòng của vua chuối Long an: Tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm hài lòng khách hàng khó tính
08-02-2017
Ông Võ Quan Huy, người được mệnh danh là “vua chuối”, bởi ông đã đưa loại trái cây này sang bàn ăn của đất nước “khó tính” bậc nhất thế giới: Nhật Bản. Năm 2016, ông xuất khẩu 4.000 tấn chuối mang thương hiệu Fohla (Fruits of Huy Long An), trong đó 40% sang xứ sở hoa anh đào.
Tại hội thảo nông nghiệp ở Tây Ninh đầu năm nay, ông Huy đã chia sẻ những kinh nghiệm mang loại trái cây giàu chất dinh dưỡng này sang Nhật.
“Đối với người Nhật, khi chúng ta muốn xuất khẩu sang thị trường của họ thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của họ. Khi họ mua sản phẩm của mình, họ phải thử và lấy mẫu về kiểm nghiệm. Xuất chuối sang Nhật phải có tới 200 chỉ tiêu về hóa chất, quy trình sản xuất thì mới được chấp nhận”, ông Huy nói.
Vườn chuối rộng hơn 100 ha của ông Huy được trồng theo tiêu chuẩn sạch
Ông vua chuối Long An cho biết thêm: “Hiện giờ, tuy đã bán cho các siêu thị ở Nhật rồi nhưng nếu một siêu thị mới đến đặt hàng, họ sẽ kiểm nghiệm lại từ đầu. Đạt họ mới lấy”.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Huy cho rằng muốn sản xuất hàng xuất khẩu các thị trường thì phải có quy trình chăm bón, đóng gói, bảo quản…. nghiêm ngặt.
“Chúng ta không nên xem nó là những việc khó mà nên coi đó là một bước để hội nhập. Chúng ta có tinh thần như vậy thì hàng hóa của chúng ta sẽ tiếp cận được thị trường Hàn Quốc, Nhật”, chủ thương hiệu chuối Fohla chia sẻ.
Hệ thống dây chuyền đưa chuối từ vườn đến kho xử lý
Theo ông Huy, cần xây dựng bước đệm, đó là làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sau đó mới đạt được chuẩn hữu cơ. “Chúng ta chuyển sang hữu cơ thì vấn đề sâu bệnh sẽ giải quyết như thế nào. Cây chuối có khoảng 27 chi tiết trong quá trình chăm sóc, đòi hỏi phải đào tạo người nông dân. Chúng ta phải xây dựng cây chuối thành ngành công nghiệp trồng chuối. Ở một trình độ như vậy, chúng ta mới có thể tiếp cận được thị trường thế giới”, vị đại gia chân đất nói.
Cái duyên với cây chuối
Cơ duyên đến với cây chuối của ông Huy đến trong một lần sang Philippines. Ông Huy nhận thấy quốc gia xuất khẩu chuối lớn thứ hai thế giới có nhiều điểm tương đồng với khí hậu của Việt Nam.
Năm 2014, nhận thấy cơ hội đầu tư vào loại trái cây này tới, ông Huy trở lại Philippines tham quan học hỏi. Ông bỏ ra 3 ngày để gặp nông dân trồng chuối. Ông cũng mời chuyên gia nổi tiếng của Philippines về loại cây này tư vấn cho ông. Và chuối Fohla đã ra đời.
Quy trình khép kín của vườn chuối được thực hiện từ khi trồng đến khi đóng gói đưa đi xuất khẩu.
Năm 2016 sản lượng chuối vào khoảng 4.000 tấn. Khu vườn rộng bao la có hệ thống ròng rọc tự động để chuyển trái cây về kho, có hệ thống tưới tiêu hiện đại và nhà kho để có thành phẩm không chỉ có chất lượng tốt mà còn đẹp mắt.
Tháng 4/2016, chuối Fohla đã chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới – Nhật Bản. 15 tấn chuối đã chính thức được bày bán tại siêu thị Don Kihote. Ngoài thị trường Nhật, ông còn đang xuất loại trái cây này sang Trung Quốc và Malaysia. Hiện, công ty của ông đang đàm phán để bán cho Hàn Quốc.
Mục tiêu của ông Út Huy năm 2017 là đạt 7.000 tấn chuối và xuất 70% tới thị trường Nhật, thay vì 40% như hiện nay.
Hai con trai của ông là Võ Quang Thuận và Võ Quang hoà đang cùng cha gánh vác cơ nghiệp. Ông dí dỏm: "Lúc đầu tôi định nghỉ hưu năm 2015 nhưng giờ vẫn đang cố gắng làm việc tốt để “xin” các con gia hạn thời gian làm việc. Còn sức thì vẫn làm".