Vải thiều ra hoa chậm : Do ảnh hưởng của thời tiết khó lường - TRỒNG RAU LÀM VƯỜN/TRONG RAU LAM VUON/DỊCH VỤ QUÀ TẶNG/QUÀ TẶNG HANDMADE
Trước tình hình vải thiều ra hoa chậm bất thường, những ngày qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện KH Nông nghiệp Việt Nam) cử các đoàn công tác về 2 tỉnh trồng vải trọng điểm là Bắc Giang và Hải Dương tìm hiểu tình hình để có giải pháp khắc phục.
Vải thiều ra hoa chậm : Do ảnh hưởng của thời tiết khó lường
20-02-2017
Trước tình hình vải thiều ra hoa chậm bất thường, những ngày qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện KH Nông nghiệp Việt Nam) cử các đoàn công tác về 2 tỉnh trồng vải trọng điểm là Bắc Giang và Hải Dương tìm hiểu tình hình để có giải pháp khắc phục.
Theo Cục Trồng trọt, qua kiểm tra cho thấy, hiện trà vải chín sớm (chiếm khoảng 20% tổng diện tích vải) tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương hoa đã cơ bản xuất hiện rõ và khá đều. Còn trà vải chính vụ (chiếm khoảng 80% tổng diện tích), hầu hết các vườn vẫn chỉ có bộ lá thành thục màu xanh vàng, chưa thấy xuất hiện lộc; chưa có biểu hiện phát dục ra hoa hay ra lộc; các đầu cành/đỉnh sinh trưởng đều đang ở trạng thái ngủ.
Vải thiều - trái cây đặc sản của Miền Bắc
Đáng nói là tại các vùng vải được thâm canh cao tại Lục Ngạn, hầu hết các vườn vải đã được áp dụng quy trình chăm sóc, cắt tỉa, thậm chí khoanh vỏ rất chu đáo để kích thích ra hoa nhưng tình trạng “vải điếc hoa” vẫn không được cải thiện.
Về lâu dài, TS Trịnh Khắc Quang, GĐ Viện KH Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Diễn biến thời tiết đang ngày càng khó lường, vì vậy quy luật sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng, trong đó có cây vải đã không còn theo chu kỳ ổn định như trước. Đơn cử như cây vải, việc thay đổi chế độ ra hoa là kết quả ảnh hưởng do sự thay đổi chu kỳ thời tiết trong cả một năm, chứ không chỉ trong một giai đoạn ngắn. Vì vậy, để khắc phục được rủi ro này, cần phải sớm có đề tài nghiên cứu, giám sát sự thay đổi của thời tiết để có giải pháp kỹ thuật chủ động ứng phó.
Thủ phạm do mùa đông ấm?
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng vải ra hoa chậm, TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho rằng: Hiện tượng này có liên quan tới tình trạng mùa đông năm nay ở phía Bắc ấm hơn mọi năm.
Theo ông Dũng, nhiệt độ là nhân tố chủ yếu tác động đến sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực của cây vải. Thể nguyên thủy của hoa vải là mầm hỗn hợp, có hoa, có lá. Nhiệt độ cao ức chế sự hình thành các cơ quan hoa mà thiên về sinh trưởng dinh dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của lá.
Trái lại, nhiệt độ thấp thúc đẩy sự phân hóa cành hoa nhỏ và cơ quan hoa, ức chế sự phát dục thể nguyên thủy của lá và thiên về hướng sinh thực.
Quá trình phân hóa mầm hoa vải có liên quan chặt chẽ tới nhiệt độ, nhiệt độ từ 0 - 10 o C thuận lợi cho chùm hoa phân nhánh và phân hóa mầm hoa. Nhiệt độ từ 11 - 14 o C thì cành hoa và lá mới có thể phát triển thành các chùm hoa có giá trị kinh tế.
Trong khi đó, mặc dù chưa có thống kê chính thức về diễn biến thời tiết thời gian qua, song nhìn chung mùa đông năm nay ở phía Bắc ấm hơn mọi năm, không xảy ra nhiều đợt rét đậm kéo dài, lại có xen kẽ nhiều đợt nắng ấm. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho việc phân hóa mầm hoa vải gặp khó khăn.
Dự báo về các tình huống, TS Dũng cho biết: Nếu thời gian tới, thời tiết rét, nền nhiệt độ xuống thấp và khô ráo, các diện tích vải trà chính vụ chưa ra hoa vẫn sẽ có hi vọng ra hoa. Tuy nhiên nếu thời tiết tiếp tục ấm và mưa ẩm, cây vải sẽ có chiều hướng sinh trưởng sinh dưỡng, và tỉ lệ ra hoa sẽ đạt rất thấp mà chỉ tập trung cho việc ra lộc.
Tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, với diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện KH Nông nghiệp Việt Nam sẽ không trông chờ vào sự may rủi của thời tiết, mà chủ động có các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tỉ lệ ra hoa của các diện tích vải. Một trong những nhóm giải pháp này là sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng qua lá kết hợp với phân bón để kích thích sự ra hoa, ức chế sự phát triển của lộc.
Bên cạnh đó, khuyến cáo các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm tận dụng tối đa tỉ lệ đậu quả, hạn chế rụng sinh lý đối với diện tích vải đã và đang ra hoa. Các diện tích vải ra hoa kết hợp với lộc, có thể áp dụng kết hợp giải pháp cắt bớt lộc để tạo điều kiện cho hoa phát triển…