Vườn lan huyền thoại: Sự đam mê tạo nên tên tuổi - TRỒNG RAU LÀM VƯỜN/TRONG RAU LAM VUON/DỊCH VỤ QUÀ TẶNG/QUÀ TẶNG HANDMADE

Thật khó tin, giữa phố thị hoa lệ, đất chật người đông của Sài thành, người phụ nữ đẹp dịu dàng, dáng khả ái mà nhiều người gọi là "Người đẹp quý bà" lại dựng nên một vườn lan mokara rộng đến 8 ha. "Vườn lan huyền thoại" này quanh năm khoe sắc ngập tràn, như viết nên một câu chuyện huyền thoại về niềm đam mê hoa lan...

top
Địa chỉ: 282 quốc lộ 50, KP4, Cần giuộc , Long An
Hotline: 0908 246 805
facebookHoa Nhà HandgiftHandgiftyt

Vườn lan huyền thoại: Sự đam mê tạo nên tên tuổi

03-10-2017
Thật khó tin, giữa phố thị hoa lệ, đất chật người đông của Sài thành, người phụ nữ đẹp dịu dàng, dáng khả ái mà nhiều người gọi là "Người đẹp quý bà" lại dựng nên một vườn lan mokara rộng đến 8 ha. "Vườn lan huyền thoại" này quanh năm khoe sắc ngập tràn, như viết nên một câu chuyện huyền thoại về niềm đam mê hoa lan...

Sau chục năm chị làm hoa lan, giờ giới trồng lan trong nước đều biết đến người phụ nữ trẻ có biệt danh Huyền “lan” ở Sài thành. Mọi người biết đến chị - tên đầy đủ là Đặng Lê Thị Thanh Huyền - không chỉ vì sự thành công trong nghề trồng lan, thu bạc tỷ mỗi năm, mà còn cảm phục vì sự quyết tâm, yêu nghề của chị.

Không gục ngã…

vườn lan huyền thoại
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền – Chủ nhân vườn lan Huyền thoại

Bẵng đi một thời gian không gặp chị Huyền, giờ gặp lại đã nghe chị thông báo nâng diện tích trồng lan lên… 8 ha! Nghĩ lại, lần đầu gặp, chị thổ lộ lấy tên vườn lan là “huyền thoại”, tôi nghe mà ái ngại, không ngờ giờ nó đã trở thành hiện thực.

Làm hoa lan cỡ như ông Mai Quốc Thái (Chủ nhiệm CLB Hoa lan TP.HCM) có đến gần chục ha, nhưng hơn phân nửa phải chạy đôn chạy đáo sang Bình Dương tìm đất, thì việc chị Huyền “lan” có 8 ha giữa Sài thành mới thấy hết nội lực và quyết tâm của người phụ nữ này.

Chục năm trước, người phụ nữ này chỉ biết “cát, đá và xi măng”. Nhưng cái nghề bán vật liệu xây dựng không cản nổi sự đam mê hoa lan và ước mơ sở hữu một vườn lan của chị. Sau một buổi tiếp cận vườn lan từ sự giới thiệu của ngành nông nghiệp địa phương, chị bắt đầu khởi nghiệp trồng lan với hơn 1.000 gốc lan mokara.

Kiến thức, kinh nghiệm về “cát, đá và xi măng” không thể giúp chị Huyền thắng được căn bệnh thối rễ, thối đọt và đốm lá trên hoa lan ở những ngày đầu bước vào nghề trồng lan. Nhìn những luống lan chết hàng loạt, chị bảo “không cầm được nước mắt”.

Ấy vậy mà, việc liên tiếp những luống lan ngã gục vẫn không hạ gục quyết tâm và sự đam mê của người phụ nữ nhỏ nhắn. 4 năm đánh vật với các căn bệnh quái ác trên hoa lan, chị Huyền “lan” đã nắm vững kiến thức trị các căn bệnh này. 

Năm 2012, chị quyết định chuyển đổi mảnh đất rộng 4 ha đang trồng cao su thành trang trại hoa lan. Đồng thời, chị cũng đầu tư làm hệ thống tưới tiêu nước, thuốc và phân bón tự động; xây dựng nhà lưới cho hơn 100.000 gốc lan mokara. Theo tiết lộ của chị Huyền “lan”, riêng số tiền đầu tư cho vườn lan này đã lên đến chục tỷ đồng.

Bây giờ thì không chỉ riêng chị Huyền, mà cả ngành sản xuất hoa lan đang đối diện với một thực tế là sự cạnh tranh khốc liệt của hoa lan nhập từ Thái Lan. Chị Huyền cho biết, đây là một khó khăn rất lớn đối với nông dân trồng lan như chị trong một thị trường “mở”. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn mới ấy, chị Huyền “lan” vẫn tin rằng mình lại sẽ vượt qua. “Về chất lượng, hoa lan tôi sản xuất không tệ hơn hoa lan Thái, thậm chí có thể nói tốt hơn” - chị chia sẻ.

Huyền thoại một vườn lan

vườn lan huyền thoại
Ảnh minh hoạ

8 ha hoa lan là một diện tích đất mà nhiều người trồng lan nghe đến đã phát choáng. Tại vườn lan Huyền thoại, có khoảng 200.000 gốc lan mokara, trong đó có 15 loại giống, như: Đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ...  và hơn 10.000 gốc lan Denrobium, trong đó có denro tím, denro trắng. denro nắng các loại… Theo tính toán của chị Huyền, bình quân mỗi năm doanh thu của trang trại lan này khoảng vài tỷ đồng.

Không chỉ bán lan cắt cành, vài năm nay chị Huyền “lan” đã triển khai dịch vụ trang trại lan kết hợp du lịch. Đến nay, vườn lan của chị Huyền đã được nhiều người biết đến, nhiều công ty du lịch xúc tiến để đưa khách đến tham quan như một điểm thưởng ngoạn mới của thành phố nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. Chị Huyền cho biết, bình quân mỗi tháng vườn lan Huyền thoại đón khoảng 10 đoàn khách với 200 người, trong đó có cả những nhóm khách ngoại quốc... Đối với những nhóm học sinh đến tham quan, tìm hiểu nghề trồng lan, chị mở thêm các lớp hướng nghiệp và nâng cao kiến thức về nông nghiệp.

Trang trại hoa lan Huyền thoại cũng đã trở thành điểm thực nghiệm cho bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan. Chị Huyền sẵn sàng hỗ trợ các hộ nông dân về kỹ thuật, giống và kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc loài hoa này.

Hiện chị Huyền “lan” và một số nông dân trồng lan ở Củ Chi đã hợp tác thành lập Hợp tác xã Hoa lan Huyền thoại. Theo chị Huyền, HTX sẽ tổ chức sản xuất hoa lan cung cấp cho các thị trường tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất sang Campuchia. Bên cạnh đó, HTX cũng sẽ nghiên cứu tổ chức các hoạt động tham quan, du lịch vườn lan, kết nối các tour du lịch trên địa bàn huyện Củ Chi với những vườn lan có quy mô nhỏ để tạo thành vùng chuyên sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm lan với quy mô lớn.

TP.HCM đang trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp với ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất. Bắt nhịp với xu hướng này, chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền đã đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống, giúp giảm được chi phí cây giống, đồng thời cung cấp giống cho các hộ nông dân trồng lan. 

Một năm vài lần, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM Trần Trường Sơn đến thăm vườn lan Huyền thoại. “Những năm qua vườn lan Huyền thoại là mô hình nông nghiệp kiểu mẫu của thành phố. Sự thành công của vườn lan đã đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp thành phố này” - ông Sơn đánh giá.
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền là 1 trong 24 gương mặt tiêu biểu được bình chọn và mời tham dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”, nhân dịp 5 năm Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” và 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Theo bannhanong/Dân Việt


Danh mục sản phẩm

Tin tức

Hotline:
Chỉ đường icon zalo Zalo SMS
content/detail_special